Sunday, October 30, 2022

25-35 tuổi là 'THẬP KỶ VÀNG của cuộc đời', làm đủ 5 điều này, bạn sẽ sớm 'ngồi không cũng kiếm ra tiền'

 

 

 

Nhiều người cho rằng 25 đến 35 tuổi nên dùng để khám phá và thử nghiệm, nhưng các nhà tâm lý học gọi giai đoạn này là “10 năm vàng của cuộc đời”. Đây là thời kỳ có thể gieo mầm hạnh phúc, chớm nở phú quý và ảnh hưởng tới vận mệnh của tương lai.


Theo nhà tâm lý học người Mỹ Meg Jay, trong giai đoạn quan trọng này, nhất định phải làm được 5 điều sau đây để quyết định hạnh phúc và sự phát triển của cả đời. 


 

1. Hãy là người bạn muốn trở thành

Nhà tâm lý học Meg Jay đã đề cập rằng não bộ sẽ trải qua thời kỳ phát triển đỉnh cao cuối cùng ở độ tuổi giữa 20. Vì vậy bạn nên tận dụng thời điểm này để nâng cao giá trị bản thân, đạt được con người lý tưởng của mình.

Meg Jay cũng đề cập rằng, có thể 80% những khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời xảy ra trước 35 tuổi. Đó có thể là tìm kiếm hướng đi của sự nghiệp, thay đổi môi trường sống, gặp gỡ bạn đời, hoặc cố gắng khởi nghiệp…

Hãy làm điều gì đó để có thể tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, khiến bản thân trở nên có giá trị hơn.

2. Ra khỏi vùng an toàn của bạn

Ở trường đại học, nhiều bạn trẻ có thể chọn những người bạn cùng chí hướng, và hầu hết họ đều có lối suy nghĩ, phong cách giao tiếp và môi trường làm việc giống nhau. Nhưng đồng thời, nó cũng sẽ giới hạn vòng kết bạn của họ.

Những mối quan hệ mới mẻ và tinh anh hầu như luôn đến từ bên ngoài vòng kết bạn thông thường. Theo quan điểm này, những người trẻ ở độ tuổi 20 và 30 nên nghĩ cách để mở rộng các mối quan hệ của mình.

Mở rộng mạng lưới cũng là cách hữu hiệu để tăng cường cơ hội nghề nghiệp. Vì 25-35 tuổi là giai đoạn quan trọng tích lũy nhân mạch, cần thêm bạn bớt thù, học cách hình thành mối quan hệ hài hòa giữa các cá nhân, hiểu ý thức xã hội, học cách hòa nhập vào các nhóm người khác nhau, nhận biết tình cảnh và đối xử lịch sự với mọi người.

Đừng bao giờ lựa chọn an phận trong vùng an toàn vì điều đó đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận giậm chân tại chỗ, hài lòng với cuộc sống trì trệ và mãi mãi không bao giờ phát triển. 


 

3. Chọn hậu phương vững chắc

Meg Jay đề cập, “Đây cũng là thời điểm tốt nhất để lựa chọn bạn đời hợp ý và tiến tới hôn nhân.” Hầu hết mọi người kết hôn vào khoảng 30 tuổi. Vì vậy, cô cho rằng, khi ở độ tuổi không phù hợp, mọi người dễ vội vàng và đưa ra quyết định chưa thấu đáo. Nếu muốn kết hôn, hãy nhìn vào sự lựa chọn của trái tim giống như cách bạn cẩn thận lựa chọn sự nghiệp của cả đời mình.

Bởi vì Meg Jay tin rằng mọi người có thể không chọn được gia đình mình sinh ra, nhưng mọi người có thể chọn loại hình gia đình mà mình muốn trở thành, chọn được một hậu phương vững chắc. Người đó có thể ủng hộ những gì bạn làm và đi cùng bạn đến hết cuộc đời.

4. Bắt đầu tiết kiệm và đầu tư sớm

Độ tuổi 25 đến 35 cũng là thời kỳ vàng để đầu tư. Bạn đã tốt nghiệp và bắt đầu đi làm một vài năm, đã có trong tay một khoản thu nhập nhất định hàng tháng. Do đó, nếu bắt đầu tìm hiểu và đầu tư ngay từ tuổi 25, bạn có thể đạt được tự do tài chính nhanh hơn. Khi bạn còn trẻ, còn đủ sức để đứng lên sau mỗi thất bại và sai lầm thì nên tận dụng cơ hội vì giai đoạn này sẽ không kéo dài lâu.

Chuyên gia cho rằng, những người 25 tuổi có thể đầu tư khoảng 1/3 thu nhập của mình nếu không phải chịu gánh nặng nuôi dạy con cái, trả nợ thế chấp… Còn với một người mới với thu nhập hàng tháng chưa cao cũng có thể bắt đầu với những con số nhỏ, qua đó học cách xây dựng tư duy đầu tư của riêng mình.

Nhiều chuyên gia quản lý tài sản cho rằng, đầu tư càng đơn giản càng tốt, vì vậy bạn có thể đa dạng hóa tiền của mình vào quỹ cổ phiếu toàn cầu và quỹ trái phiếu toàn cầu, với tỷ suất sinh lợi trung bình hàng năm khoảng 5% đến 10%. 


 

5. Dành thời gian cho gia đình của bạn

Nhật báo Metropolis của Anh đã khẳng định rằng, dành nhiều thời gian hơn cho các thành viên trong gia đình cũng là một thói quen ươm mầm cho tương lai, giúp bạn thay đổi vận mệnh. Có một nghiên cứu đã cho thấy, những gia đình thường xuyên tụ họp với nhau đến 5 lần mỗi tuần có thể cải thiện đáng kể hạnh phúc và sự kết nối của họ.

Đừng quên rằng, khi bạn ở độ tuổi 25 - 35, có nghĩa là cha mẹ của bạn có thể ít nhất đã 50 - 60 tuổi, thậm chí là hơn thế. Bạn còn có hàng chục năm đường đời dài đằng đẵng phía trước, nhưng họ thì không. Thời gian không chờ đợi một ai, do đó hãy dành cho cha mẹ và người thân những điều đáng quý ngay từ bây giờ. Đừng đợi đến khi cha mẹ ra đi mới hối tiếc vì không còn cơ hội để báo đáp ơn nghĩa.

***Theo: Thuý Phương

Về già ai sẽ nuôi bạn, câu chuyện đau lòng nhưng rất thực tế.

 

 

Về già ai sẽ nuôi bạn, câu chuyện đau lòng nhưng rất thực tế bất cứ ai cũng phải đọc


”Nhà của cha mẹ là nhà của con, nhưng nhà của con không bao giờ là nhà của cha mẹ”, câu nói nghe chua chát này đôi khi rất đúng, nhất là trong xã hội ngày nay.

Trên thế gian này, có lẽ không thứ tình cảm nào có thể so sánh được với tình mẹ. Mẹ chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, chăm chút cho chúng ta từ khi còn con đỏ. Mẹ dành cả thanh xuân, dành cả sức khỏe, dùng cả cuộc đời để nuối nấng, dạy dỗ con lên người.

Con lớn lên, học hành thành tài, rời xa vòng tay của mẹ để tới một chân trời mới. Con sẽ lập gia đình, sinh con đẻ cái, rồi lại tiếp tục vòng tuần hoàn ấy, lặp đi lặp lại, trăm năm sau hay ngàn năm sau vẫn vậy.

Thế nhưng, con đi xa như thế, ngoài kia bao thú vui đôi khi lại khiến con quên mất mẹ già ở góc quê xa xôi nào đó. Thậm chí, người mẹ năm nào giờ đã già nua, trở nên lạc hậu, thành gánh nặng trong mắt con. Chỉ nghĩ thôi, đã thấy chua xót biết chừng nào.

 


”Về già ai sẽ nuôi bạn?” Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng đọc câu chuyện sau:

Có một người mẹ đơn thân nuôi con, chồng bỏ đi từ sớm, cô ấy sống bằng nghề dạy học, với thu nhập khá khiêm tốn đã nuôi dưỡng con trai khôn lớn thành tài.

Lúc còn nhỏ, con trai rất ngoan ngoãn, vâng lời. Cô vất vả nuôi dạy con đến tuổi trưởng thành, và cậu con trai được đi Mỹ du học. Sau khi con trai tốt nghiệp đại học đã ở lại Mỹ làm việc, kiếm được khá nhiều tiền rồi mua nhà, và lấy vợ, sinh con, xây dựng một gia đình hạnh phúc đầm ấm.

Người mẹ già này, dự định sau khi nghỉ hưu sẽ đến Mỹ đoàn tụ cùng con trai và con dâu, hưởng phúc gia đình vui vẻ sum vầy. Chỉ ba tháng trước khi cô sắp nghỉ hưu, cô đã nhanh chóng viết một lá thư cho con trai, nói với con về nguyện vọng này.

Trong tâm cô rất đỗi vui mừng khi nghĩ đến chặng đường “nuôi con dưỡng già” của mình sắp đến hồi kết tốt đẹp, cùng những ánh mắt hâm mộ của bà con, bạn bè xung quanh. Vì thế mà một mặt cô đợi hồi âm của con, một mặt cô thu xếp bán nhà và nộp đơn nghỉ hưu.

Vào đêm trước ngày nghỉ hưu, cô nhận được thư hồi âm của con trai gửi từ Mỹ về, mở thư ra xem, trong thư có kèm một tấm ngân phiếu 30 ngàn đô la Mỹ.

Cô cảm thấy rất lạ, bởi vì từ trước đến giờ con trai không bao giờ gửi tiền về, cô vội vàng mở thư, bức thư viết rằng: “Mẹ à, sau khi vợ chồng con cùng nhau bàn bạc, quyết định là không thể đón mẹ đến Mỹ sống chung được. Cứ cho rằng mẹ có công nuôi dưỡng con trước đây, toàn bộ chi phí đó, thì tính theo giá cả thị trường bây giờ khoảng 20 ngàn đô Mỹ. Nhưng con sẽ gửi thêm một chút, là tấm chi phiếu 30 ngàn đô này. Hy vọng từ nay về sau mẹ đừng viết thư cho con nữa, cũng đừng kể lể về những việc như thế này nữa.”

Sau khi người mẹ đọc xong lá thư này thì nước mắt đầm đìa. Cô lặng im một hồi lâu, thật khó mà chấp nhận được sự thật này. Nhưng với tấm lòng người mẹ bao la như biển cả, cô không trách con trai, chỉ cảm thấy tủi phận cho một đời góa bụa. Khi trẻ đơn độc nuôi con, bây giờ cần nơi nương tựa vẫn lẻ bóng, lòng cô đau như cắt!.

Sau đó, cô tìm đến cửa Phật, và bắt đầu học Phật Pháp. Học được một thời gian, cô cảm thấy tâm thái nhẹ nhõm, suy nghĩ cũng thông mọi chuyện. Cô dùng 30 ngàn đô đó để đi du lịch khắp thế giới, lần đầu tiên trong đời, cô được mở mang tầm mắt thấy được quang cảnh thế giới này thật đẹp biết bao.

Như cởi được tất cả mọi sân si, hờn giận, cô thanh thản viết cho con trai mình một bức thư.

“Con trai à, con muốn mẹ đừng viết thư cho con nữa, thế thì, cứ xem như lá thư này là bổ sung cho bức thư con đã gửi mẹ trước đây. Mẹ nhận tấm séc rồi, cũng đã dùng nó để thực hiện một chuyến du lịch vòng quanh thế giới.

 

Trong chuyến đi này, mẹ đột nhiên cảm thấy rằng nên cảm ơn con, cảm ơn con đã giúp mẹ hiểu thấu được mọi chuyện, có thể buông bỏ nhân tâm, khiến mẹ nhận ra tình thân quyến, tình bạn và tình yêu của con người trên thế gian này đều không phải là vĩnh cửu, chỉ như như bèo dạt mây mà trôi, tất cả đều đang thay đổi từng ngày.

Nếu ngày hôm nay mẹ không thông suốt, vẫn còn ôm giữ bao nhiêu sân si, hờn giận, đau khổ thì có thể một vài năm nữa, mẹ có lẽ sẽ không sống nổi. Sự tuyệt tình của con khiến mẹ ngộ được chữ “duyên” nơi trần gian này, chẳng phải duyên hợp lại tan đó sao! Tất cả đều là vô thường! Mẹ cũng học được cách giữ tâm mình thanh tĩnh và ung dung tự tại. Mẹ đã không còn con cái nữa, tâm đã vô lo, nên mới có thể đi đến bất cứ nơi đâu mà tâm không mảy may vướng bận.”

“Thật đáng thương cho cái tâm của các bậc làm cha mẹ trên thế giới này”, vì họ luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình, nhưng kết quả cuối cùng lại chưa hẳn là tốt nhất.

Có một câu nói rằng: “Nhà của cha mẹ là nhà của con cái, nhà của con cái không bao giờ là nhà của cha mẹ. Sinh con là nhiệm vụ, nuôi con là nghĩa vụ, nhưng dựa vào con là sai lầm.”

Mặc dù không phải tất cả con cái đều vô lương tâm như người con trai trong câu chuyện này. Nhưng những bậc làm cha mẹ nhất định không nên nghĩ rằng sẽ dựa vào con cái của mình. Chân thành mà nói, bạn hãy chỉ dựa vào chính bản thân mình. Con cháu nếu có hiếu thảo với bạn, thì đó cũng là phúc đức của bạn. Còn nếu chúng không hiếu thảo, thì bạn cũng không thể cưỡng cầu mà có được. Cách tốt nhất là hãy sớm lên kế hoạch “dưỡng già” ngay từ bây giờ, sẽ không bao giờ là quá muộn cả.


 

4 việc cần chuẩn bị trước khi chúng ta già đi

Có câu nói rằng, về già cần phải có 3 điều tránh và 1 điều muốn: Tránh bị sét đánh, tránh bị cắm ống thở bình ô-xy, tránh phải phẫu thuật cắt ống khí quản. Và muốn chiếc quan tài.

Có những việc, ngay khi còn trẻ chúng ta phải chuẩn bị, nếu không lúc về già sẽ không kịp nữa, vậy đó là những gì?

Đầu tiên chính là sức khỏe

Để sống khỏe mà không phụ thuộc vào thuốc, cần lưu ý 3 việc đơn giản sau: Ăn đủ chất, chú ý giữ gìn sức khỏe và phải có sự tu dưỡng.

Thứ hai là chuẩn bị một nơi ở khi về già

Nếu cảm thấy sống cùng con cháu mà quá khác biệt về tư tưởng, cách sống, nếp sinh hoạt khiến bản thân phải chịu cam chịu, nhẫn nhịn thì tốt nhất nên chuyển ra ngoài sinh sống cho thanh thản.

Không quan trọng thành phố hay nông thôn, hãy sống ở nơi bản thân thấy thoải mái, vui vẻ để dưỡng già.

Thứ ba là kiếm tiền dưỡng già

Đừng bao giờ dồn tất cả những đồng tiền cuối cùng cho con. Bởi con của bạn trưởng thành, sức dài vai rộng, chúng hoàn toàn có thể kiếm tiền lo cho cuộc sống của mình. Hãy giữ lại một chút, đủ để sống tuổi già, điều này là rất quan trọng.

Điều này cũng khiến con cái sẽ cảm thấy bớt gánh nặng, lo toan hơn, khi bản thân người con cũng phải lo cho gia đình nhỏ của mình. Bạn đã nuôi con khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho chúng, cũng đã coi như làm tròn trách nhiệm của người làm cha làm mẹ với con cái mình. Nên số tiền dưỡng già nhất định nên phải có một khoản cho mình. Khi chưa vào quan tài thì bạn cũng chưa cần phải phân chia cho ai cả.

Thứ tư là tìm những người bạn già

Đừng ngại ngùng khi tìm một người bạn khi về già, hãy mở rộng tấm lòng và trái tim để kết thêm nhiều thiện duyên hơn nữa. Những người đơn thân vẫn biết hưởng thụ cuộc sống như vậy.

Nếu bạn từng có một cuộc hôn nhân không trọn vẹn, hãy học cách chấp nhận nó. Âu cũng là cái duyên cái nợ từ đời trước, con người cũng chỉ nên vâng mệnh trời mà thôi. Khi tâm hồn trống trải, ta mới cảm thấy cô đơn. Nhưng nếu bạn có thể lấp đầy trái tim ấy bằng tình yêu cuộc sống, bằng sự biết ơn và quan trọng nhất là tìm cho mình một tín ngưỡng chân chính cho tâm hồn nương tựa, bạn sẽ thấy hạnh phúc tới tận giây phút cuối đời.

Hãy ghi nhớ rằng, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, “Người ở thiên đường, tiền ở ngân hàng” vì thế hãy tận hưởng từng giây phút bạn còn có mặt trên thế gian này.

Người ta vẫn nói, đời người có hai lần là trẻ con. Khi còn thơ bé, chẳng phải lo lắng, truy cơ, phiền muộn. Vậy khi về già, được làm trẻ con một lần nữa, hãy cứ sống như thế, bạn sẽ thấy cuộc đời nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Kiếp người tưởng dài mà ngắn, làm việc rồi nghỉ ngơi, ngủ và thức dậy, bước bao nhiêu bước chân, chớp mắt bao nhiêu lần… thoáng chốc mái đầu đã bạc. Hãy sống sao để khi về già, bản thân thấy cuộc đời này đáng sống, nhẹ nhàng và an nhiên.

***Nguồn: Tạp chí sở hữu trí tuệ

10 việc đơn giản nhưng phúc báo cao dày, tích đức cho cả đời sau

 10 việc đơn giản nhưng phúc báo cao dày, tích đức cho cả đời sau


Thông thường chúng ta chỉ hiểu rằng giúp đỡ ai đó bằng tiền bạc khi họ khó khăn được xem là tích đức nhưng còn có nhiều hình thức khác mà không cần tới tiền bạc. 

1. Mỉm người với người khác

Hãy thử tưởng tượng về một khuôn mặt cáu kỉnh, khó gần mà bạn phải nhìn thấy mỗi sáng bạn sẽ có cảm giác nặng nề như thế nào. Nụ cười có thể xóa tan những khoảng cách, và thậm chí nụ cười chân thành còn có giá trị hơn cả ngàn vàng mang lại sức mạnh cho những người xung quanh. Khi niềm vui được lan tỏa cũng là lúc bạn mang phước lành tới mọi người và cũng là mang lại phước lành cho chính mình. 

Không cần phải có phép thuật nhưng bạn cũng đã có sức ảnh hưởng mãnh liệt tới người khác chỉ bằng nụ cười. Đây thực sự là cách tích đức đơn giản, hiệu quả mà bạn ít khi nghĩ tới đấy.

 


 

2. Biết cảm ơn

Hãy cảm ơn vì những gì bạn đang có và nhớ trân trọng vì sự hiện diện của mình trên cuộc đời này, đó là công sức của đấng sinh thành và của những người giúp đỡ có được cuộc sống hiện tại.

Với thái độ biết ơn bạn sẽ luôn sẵn lòng nói lời cảm ơn tới người hỗ trợ bạn dù là những việc nhỏ nhặt nhất thường ngày.

Không chỉ có thế, bạn cũng hãy nói lời cảm ơn tới người ghét bạn, những đối thủ của mình vì họ sẽ mang lại cho bạn sức mạnh tiềm tàng mà bạn ít khi có cơ hội phát huy. Nếu không có những khó khăn mà họ tạo ra thì làm gì có bạn ở hiện tại phải không nào?

3. Tích đức từ lời nói

Những người hay nói lời mỉa mai tự biện minh rằng mình "khẩu xà nhưng tâm Phật" nhưng họ không hiểu rằng lời nói của họ có sức mạnh khủng khiếp, có thể ảnh hưởng, tổn thương người đối diện dù họ muốn hay không. Có những lúc lời nói như nhát dao cứa vào tim người khác làm họ không thể nào gượng dậy nổi, thậm chí có người đã từng tự tự chỉ vì lời chê bai của những kẻ vô tâm.

Vì thế, nên học cách nói giảm, nói tránh khi cần. Khi nói lời phê bình, khiển trách, hãy đảm bảo rằng lòng tự tôn của người nghe không bị tổn thương. Nhìn thấy rõ một người cũng đừng nên chỉ thẳng ra, hãy lựa lúc mà nói. Đừng bao giờ làm tổn thương thể diện của người khác bởi hậu quả của nó là khôn lường.


 

4. Biết tán thưởng

Tán thưởng người khác là cách tích đức đơn giản mà ai cũng nên học tập và tạo thành thói quen thường trực của bản thân.

Ai cũng thích nghe những lời khen, vì thế hãy học cách khen người khác một cách chân thành. Hãy nhìn về điểm tốt của họ để ca ngợi, họ sẽ vô cùng biết ơn bạn.

Chẳng ai muốn cô đơn, lạc lõng giữa thế gian này, ai cũng cần dù chỉ là một người tán đồng với mình, thấu hiểu mình. Và bạn hãy luôn nhớ rằng, một lời khen ngợi đúng lúc có khi còn cứu được cả mạng người.



5. Tín nhiệm người khác

Ai cũng mong có người thấu hiểu, thừa nhận mình. Hiểu người khác cũng chính là đem lại lợi ích cho họ, cho chính bản thân bạn. Khi đã hiểu được tâm tình, tâm sự bạn sẽ dành cho đối phương sự tin tưởng mà họ cần, giúp họ tự tin hơn, cuộc sống đẹp hơn.

Với những người đa nghi sẽ không có ai dám lại gần, khó có được bạn chân thành. Được người khác tin tưởng, tín nhiệm là một loại hạnh phúc. Người có bao nhiêu tín nhiệm thì sẽ có bấy nhiêu cơ hội thành công.

Người xưa nói: “Đã nghi ngờ người thì không kết giao, đã kết giao thì không nên nghi ngờ người”. 

6. Tích đức từ việc tôn trọng người khác

Cho người khác được lợi cũng chính là làm lợi cho mình. Thời điểm người khác cần bạn nhất, hãy sẵn sàng cho họ một bờ vai để nương tựa. Suy nghĩ cho người khác cũng chính là suy nghĩ cho bản thân mình.

Hãy luôn đặt sự tự tôn của người khác ở vị trí cao nhất, thậm chí cao hơn chính bản thân mình. Sự tôn nghiêm của một người chính là phẩm giá và đạo đức, đôi khi là sinh mệnh của họ. Đừng bao giờ mạo phạm người khác nếu không muốn chính mình cũng bị mạo phạm. Đối với những kẻ yếu hơn, lại càng phải tôn trọng, trân quý họ.

 


Địa vị càng cao thì càng không thể khinh thường người khác. Làm được như vậy thì chính là bạn đã có phẩm chất của một người quân tử. Người quân tử chính là tôn trọng kẻ yếu, không sợ kẻ mạnh, là nghĩ cho người trước, nghĩ đến mình sau.

Ở vào thời khắc quan trọng, ai mà không hy vọng có người trợ giúp mình?, “Vì người khác” sẽ luôn luôn chiến thắng “vì mình”. Lòng tốt sẽ luôn luôn được người khác khắc sâu, nhớ kỹ. 

 

7. Tích đức từ tính cách khiêm nhường

Người xưa nói, người kiêu căng ngạo mạn, thích thể hiện tài năng thì đi đâu cũng có kẻ địch. Hãy tránh khoe khoang tài năng của mình mọi lúc mọi nơi và học cách buông bỏ kiêu căng, giảm bớt tự kỷ.

 

Bạn cũng không nên ở trước mặt người đang thất ý mà đàm luận về đắc ý của mình. Làm người, trước là đừng khoa trương tùy tiện, sau đừng đắc ý, nên khiêm nhường một chút, mọi thứ sẽ suôn sẻ hơn.

8. Chân thành với mọi người

Dù bạn chân thành hay giả dối thì những người nói chuyện với bạn đều cảm nhận được hết, vì thế, dù bạn có cố gắng biến thành một kẻ nào đó khác thì có ích gì? Tốt hơn hết hãy sống thật chân thành vì điều đó mới thực sự thu phục lòng người.

Nếu bạn sống giả dối thì đừng trách người khác cũng giả dối với mình. Có được chữ tín bạn sẽ có sức mạnh vô dong. Hãy giữ gìn chữ tín, lòng chân thật, bạn sẽ thu phục được lòng người, sẽ trở thành người được yêu mến, thành công. 

 

9. Biết lắng nghe

Nói nhiều không thể hiện rằng bạn hiểu biết, chính thói quen biết lắng nghe khiến người khác mới thực sự nể phục bạn. Đủ lòng kiên nhẫn để lắng nghe người khác nói, bạn cũng sẽ đủ lòng kiên nhẫn để thấu hiểu, yêu thương con người. Và đó cũng chính là cách giúp đỡ những người đang đối mặt với khó khăn mà không tiền bạc nào có thể thay thế được.

 

Sự lắng nghe cùng lòng kiên nhẫn có thể đã là câu trả lời tuyệt vời nhất cho những mâu thuẫn, khổ đau, buồn bực trong đời. Từ xưa đến nay, người thông minh nhất chính là người biết lắng nghe nhiều nhất.

10. Lòng khoan dung

Làm người nên học cách tu dưỡng lòng nhân ái, xem nhẹ mọi việc, khoan dung với lỗi lầm của người khác. Khi dễ dàng tha thứ bạn mới thực sự đủ rộng lượng, khoáng đạt, tâm hồn của bạn cũng sẽ nhẹ nhàng hơn.

 

Với lỗi lầm của người khác, bằng sự khoan dung của bạn sẽ là cơ hội cho họ sửa đổi bản thân, tránh việc hận thù khiến cuộc sống thêm tù bức, khó chịu.

Người có lòng khoan dung không chỉ là biết nghĩ cho người khác, mà còn là nghĩ cho mình. Vì sự tức giận, khó chịu sẽ như những viên thuốc độc đang tự hủy hoại chính bản thân mà thôi. Còn khoan dung là dòng nước mát tưới tắm tâm hồn khổ đau, cũng là liều thuốc giải độc cho mọi oán thù trên cõi đời này.